Đức Mẹ La Vang

Đức Mẹ La Vang

Đức Mẹ La Vang

Cở Sở Điêu Khác Đá Huy Hùng

Tỉ mỉ trên từng nét chạm

  • 0918427359
  • huyhungstatue@gmail.com

0

Giỏ hàng

0 vnđ

Đức Mẹ La Vang

1. Lịch sử Đức Mẹ hiện ra tại La Vang

Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn khi nói về Đức Mẹ La Vang cũng khẳng định như sau:

“Sự tích về La Vang chúng tôi có biết được ít nhiều thì bởi truyền khẩu thư. Những điều truyền khẩu về Đức Mẹ La Vang thật hư thế nào mặc ai tự nghĩ. Chúng tôi chỉ luận chung rằng: Có tích mới dịch ra tuồng. Nay việc La Vang đã ra như một tuồng lớn lao thế này, lẽ nào mà là một việc vô tang tích...”

Cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ thứ XX, Thừa Sai Claude Bonin, cha sở Cổ Vưu, mỗi lần gặp những ai lớn tuổi đều hỏi họ về việc Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Trong một lần xức dầu cho một Giáo Dân Cổ Vưu, thọ gần 100 tuổi, vị Linh Mục có hỏi bà: “Bà nay gần đến toà phán xét, bà phải nói cho thật, khi nhỏ bà có nghe Đức Bà hiện ra ở La Vang không?” Và bà đã trả lời rằng: “Thưa cha có, lúc nhỏ con có nghe cha mẹ con và mấy người lớn kể lại các việc ấy... Bấy giờ, theo lời cha mẹ là lúc con sắp sửa chào đời, quê nhà lâm cơn cấm cách ác liệt.”

 

đức mẹ la vang

 

Sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang xảy ra vào năm 1798, là thời gian mà cuộc bách hại đã xảy ra một cách gắt gao, dữ dội. Đây cũng là thời gian Thánh Linh Mục Emmanuen Nguyễn Văn Triệu được phúc chết vì Chúa. Ngài bị bắt ngày 8 tháng 8 năm 1798 và tử đạo ngày 17 tháng 9 năm 1798.

Theo Tư liệu Tòa Tổng Giám mục Huế, thời điểm tháng 8 năm 1798 thời vua Cảnh Thịnh là giai đoạn đỉnh điểm của phong trào bách hại người theo đạo Công giáo. Lúc bấy giờ, tín hữu sống gần khu vực đồi Dinh Cát buộc phải lên rừng trú ẩn. 

Họ đã chọn lánh nạn tại núi rừng La Vang, chốn rừng thiêng nước độc và sống trong hoàn cảnh ngặt nghèo, vừa thiếu ăn lại lo bệnh tật, sợ quan quân và thậm chí là thú dữ. Trong giai đoạn khó khăn ấy, họ đã phó thác nơi Chúa và Đức Mẹ, và cùng nhau quây quần dưới gốc đa cổ thụ để cầu nguyện, an ủi và hỗ trợ nhau. Một hôm, trong lúc lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ, người dân thấy một người phụ nữ xinh đẹp, người mặc áo choàng, tay bồng trẻ sơ sinh hiện ra gần một đại thụ. Hai bên là thiên thần cầm đèn chầu. Họ lập tức nhận ra đó là Đức Trinh nữ Maria tay bồng Chúa Hài Đồng. 

Mẹ hiện ra và tỏ lòng nhân từ, âu yếm, an ủi đàn con qua cảnh ngặt nghèo. Và Mẹ dạy họ lấy lá cây mọc chung quanh nấu lấy nước uống sẽ lành bệnh. Trước khi biến mất giữa làn mây xanh, Mẹ đã ban lời hứa: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại nơi đây sẽ được Mẹ ban ơn phù trợ.”

Sau này, Mẹ còn hiện ra để nâng đỡ, an ủi con cái Mẹ trong cơn hoạn nạn của trăm năm bị bách hại về đạo. Dần dà, người dân về nơi La Vang càng đông, và họ đã cùng nhau dựng một nhà thờ nhỏ dâng kính Đức Mẹ ngay chính nơi Mẹ từng hiện ra. 

2. Thánh Địa Đức Mẹ La Vang

Ngày 22 tháng 8 năm 1961, dịp Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII nâng Đền Thờ La Vang lên bậc Vương Cung Thánh Đường, Đức Tổng Giám Mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục đã tuyên bố:
“Kể từ nay Vương Cung Thánh Đường và khu vực La Vang là Nhà của Mẹ, Đất của Mẹ, là Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc.” Nơi đó Mẹ sẽ đón tiếp mọi con cái Mẹ từ khắp muôn phương trở về. Nơi đó, Mẹ sẽ an ủi, vỗ về, và sẽ lau khô những dòng lệ cho các con của Mẹ. Nơi đó, Mẹ sẽ ban tràn đầy muôn ơn lành hồn xác cho các con cái Mẹ. Và nơi đó, mọi con cái Mẹ sẽ dâng lên Thiên Chúa toàn năng lời chúc tụng, ca khen vì “Chúa đã làm những sự trọng đại” cho Mẹ và qua Mẹ ơn Ngài đổ xuống trên con cái của Ngài.

Năm 2008, thánh địa được chính quyền tỉnh Quảng Trị cấp lại 21 ha đất để “phục vụ hoạt động tín ngưỡng của Giáo Dân” nên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định xây lại đền thờ La Vang cho xứng với Trung Tâm Hành Hương quốc gia. Ngày 6.1.2011, Hồng Y Ivan Dias – Đặc sứ không thường trực của Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trong dịp bế mạc Năm Thánh, kỷ niệm 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam (1960- 2010) đã làm phép viên đá để sau này được dùng làm đá tảng xây dựng Vương Cung Thánh Đường mới.

 

thánh địa đức mẹ la vang

 

Ngày 15.8.2012, lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, ngày truyền thống hàng năm của Trung Tâm Hành Hương La Vang. Trước sự chứng kiến của trên 200.000 tín hữu từ khắp nơi tụ về, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, cùng với sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa thánh tại Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Huế và 16 vị Giám Mục thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 1 Đan Viện Phụ, 217 Linh Mục, cùng hàng trăm tu sỹ nam nữ đã long trọng cử hành nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang.

Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang. được xây dựng trên một mặt bằng có diện tích 13.464m2 thể hiện phong cách kiến trúc Việt, mang hồn Việt qua hình dáng những tấm mái ngói thân quen, kiểu dáng ngôi nhà ở, ngôi đìnhViệt, những họa tiết diễn tả cụ thể những ân huệ của Thiên Chúa.

2.1. Tháp chuông cổ tại Thánh Địa Đức Mẹ La Vang

Trên di tích Vương cung Thánh đường cũ ngày nay vẫn còn sót lại một tháp chuông cổ. Trước kia, Thánh đường được xây dựng vào năm 1925, khánh thành năm 1928, và nâng lên hàng Vương cung Thánh đường vào năm 1961.

Tuy nhiên, trong những năm tháng khói lửa chiến tranh, thì ngôi thánh đường đã bị hư hoại nặng nề, duy chỉ còn lại một tháp chuông cổ với bức tường nhuốm màu rêu phong. 

Ngày nay, khi về bên Đức Mẹ La Vang, đứng từ Linh đài Mẹ nhìn ra phía sau, bạn sẽ nhìn thấy tháp chuông cổ vẫn uy nghi đứng vững giữa nắng gió Quảng Trị. Tháp chuông được xây theo kiến trúc Á Đông và Việt Nam truyền thống.

 

Nhà Thờ La Vang trước khi bị tàn phá - Di tích Tháp Chuông Cổ tại Thánh Địa

 

2.2. Linh Đài Đức Mẹ La Vang

Linh đài Đức Mẹ La Vang là nơi luôn quy tụ đông đảo giáo dân và người ngoại đạo, dù bạn đến đây vào bất kỳ thời điểm nào. Được xem là trung tâm của linh địa, Linh đài Đức Mẹ La Vang được xây dựng theo dáng mô phỏng hình gốc đa năm xưa Mẹ từng hiện ra với giáo dân, và ở ngay cạnh nơi năm xưa Mẹ đến.

Để hoàn thiện được công trình này, người xưa đã dựa trên đồ án của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, và tiến hành khởi công vào năm 1963. Tuy nhiên, gặp thời điểm chiến tranh loạn lạc, thì mãi đến năm 2008, Linh đài Đức Mẹ La Vang với hình dáng ba cây đa và tượng Mẹ bồng Chúa Hài Đồng mới chính thức hoàn thành.

 

đức mẹ la vang
Linh Đài Đức Mẹ La Vang với hình ảnh Đức Mẹ hiện ra bên gốc cây đa cổ thụ

 

2.3. Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang 

Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang được xây dựng trên nền đất rộng 13.464 mét vuông, tái hiện chân thật kiến trúc Việt Nam với mái ngói, ngôi đình, và chạm khảo hoa văn tinh xảo. Phía tháp trước là nơi tổ chức các lễ ngoài trời, với tầm nhìn hướng thẳng ra quảng trường Lòng Chúa Thương Xót, cùng thiết kế mở ngụ ý Hội thánh được sai đến với muôn dân, và lấy Chúa Thánh Thần là chủ đề chủ đạo.

 

Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang

 

3. Thánh Tượng Mẹ La Vang

3.1. Tượng Đức Bà Chiến Thắng

Trong dịp Đại Hội La Vang lần đầu tiên – khánh thành ngôi Thánh Đường ngói, Đức Giám Mục Caspar Lộc đã cung thỉnh thánh tượng Đức Mẹ La Vang theo mẫu tượng Đức Bà Chiến Thắng đặt trong thánh đường.

“Đức Mẹ mặc áo choàng màu thiên thanh, phủ trên áo trắng ngà, đầu đội triều thiên vàng, chân đứng trên đám mây. Nét mặt dịu hiền, dáng điệu uy nghi. Hai tay Mẹ nâng đỡ Chúa Hài Đồng đứng bên tay mặt. Chúa Giêsu Hài Đồng xinh xắn trong bộ áo màu hồng, đầu đội triền thiên, chân đứng trên quả địa cầu lấp lánh mấy vì sao. Chúa Hài Đồng một tay níu áo Mẹ, nương tựa vào Mẹ như để làm gương cho ta, một tay giơ ra như để mời gọi ta chay đến cùng Mẹ để tỏ lòng hiếu thảo mến yêu và lãnh nhận muôn ơn lành nhờ lời Mẹ chuyển cầu.”

Thánh tượng quý giá này đã bị hủy hoại trong cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.

3.2. Tượng Thánh Mẫu La Vang

Nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, trong cuộc họp ngày 24 tháng 2 năm 1998 tại Hà Nội, ban thường vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định chọn tượng Thánh Mẫu La Vang của họa sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân, thực hiện tại Hoa Kỳ, làm mẫu tượng chính thức thay mẫu tượng cũ Đức Mẹ La Vang Nữ Vương Chiến Thắng.

Pho tượng Thánh Mẫu La Vang đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II làm phép ngày 1 tháng 7 năm 1998 tại Rôma, trước khi được gởi sang Việt Nam.

Đức Mẹ từ ái vận trang phục hoàng hậu, áo trong trắng ngà, áo ngoài xanh thiên thanh viền vàng, tương ứng với đôi hài màu vàng nhạt. Mẹ bồng Chúa Giêsu Hài Đồng trên tay, Đức Chúa mang trên mình bộ áo vàng có vòng tròn lồng trong hai chữ Alpha và Omega (Ta là khởi thủy và là tận cùng).

 

Tượng Thánh Mẫu La Vang

 

3.3. Tượng Đức Mẹ La Vang

Đúng 19 giờ, ngày 28 tháng 12 năm 2010, tượng Đức Mẹ La Vang bằng chất liệu đá quý màu, được đặt lên ở Linh Đài đã được vị  Đặc Sứ Tòa Thánh – Đức Hồng Y Ivan Dias làm phép trong dịp Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, và Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang Lần 29, ngày 04-05-06-/01/2011.

Anh Tađêô Võ Tấn Tánh - điêu khắc gia, năm nay 42 tuổi, đã có một thời sống trong nhà dòng, bỏ ra nhiều năm miệt mài và khó khăn trên đá quý thạch anh để điêu khắc pho tượng Đức Mẹ La Vang cao 2.9m và bệ của tượng 1.3m, tổng cộng chiều cao là  4.2m. Tượng được điêu khắc vẫn dựa trên phần căn bản của tượng Đức Mẹ La Vang cũ. Có sáng tạo thêm phần mây phía dưới chân của Mẹ,tạo nên sự liên kết giữa tượng và mây.

Phần chân mây được điêu khắc trên đá thạch anh trắng, tà áo xanh của Mẹ được dùng bằng đá ngọc Pakistan, còn trên khuôn mặt của Mẹ được dùng đá thạch anh hồng.

Đức Mẹ từ ái vận trang phục hoàng hậu, hoa văn mây nhẹ nhàng trên áo của Mẹ và được khắc bằng những hạt những hạt nhỏ đá thạch anh hồng. Vương miện diễn tả Đức Maria vừa là Người Mẹ nhân từ vừa là Nữ Vương uy linh. Mẹ bồng Chúa Giêsu Hài Đồng trên tay, đầu Mẹ hơi ngả về phía Con, người Con hơi nghiêng về phía Mẹ diễn tả hai Mẹ Con tâm đầu ý hợp đoái nhìn xuống đoàn con dưới thế. Chúa Giêsu Hài Đồng uy nghi trong bộ áo màu hồng, trước ngực có vòng tròn vàng lồng trong hai chữ Alpha và Omega. Trong tư thế của Chúa Tình Thương tuyệt hảo, tay trái Chúa chỉ lên Thánh Tâm đầy thương xót của Người. Vì Mẹ La Vang đã nhận lời nên Chúa đưa tay ban phép lành cho con cái Việt Nam và những ai tín thác nơi Người.

 

đức mẹ la vang
Tượng Đức Mẹ La Vang

 

4. Thờ phượng - Tôn kính Đức Mẹ La Vang

Căn cứ vào những lời Đức Mẹ đã phán với các con của Mẹ trong thời gian bị cấm cách, bị ruồng bắt vì danh Chúa:

Các con hãy tin tưởng hãy cam lòng chịu khổ, Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện.”

Năm 1798 khi hiện ra tại La Vang, Đức Mẹ đã khuyên các con cái Mẹ đang trải qua cơn gian nan, bắt bớ: “Các con hãy tin tưởng hãy cam lòng chịu khổ.” Và Người khuyến khích họ: “Hãy chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này.” Để tỏ lòng kính mến Đức Mẹ và để tiếp tục cầu xin ơn hòa bình cho Giáo Hội và quê hương Việt Nam, năm 1961 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã dâng lời khấn nguyện lên Mẹ: “Chúng con nguyện muôn đời ghi nhớ ơn Mẹ và cùng nhau xây dựng một đền thờ hay một công tác nào khác dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, để lưu truyền cho hậu thế ơn che chở đặc biệt của Mẹ.”
 

Người Công Giáo thờ phượng và tôn kính Đức Mẹ La Vang với niềm tín thác hoàn toàn vào hình ảnh Đức Mẹ đã hiện ra bên gốc đa cổ thụ ban những ơn lành và điều tốt đẹp cho những ai khốn khó mà chạy đến cầu xin Mẹ.

 

Tượng Đức Mẹ La Vang do cở sở HUY HÙNG thực hiện

 

Những lời Đức Mẹ dạy:

"Tin tưởng hãy cam lòng chịu khổ!”
Trước đây trong lúc gian nan, bắt bớ và nay giữa những trù dập và cấm cách, Đức Mẹ muốn mỗi người con Mẹ thực hành qua lời nhắn nhủ này là sự trung thành, can đảm sống đức tin, dù có phải hy sinh chính mạng sống mình. Vì Mẹ đã phán: “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin”.

Phó thác đời mình, tương lai mình cho sự phù trợ và bàn tay từ mẫu của Mẹ sẽ dẫn chúng ta đến việc trung thành, bền bỉ sống theo luật Chúa, và mạnh dạn, nỗ lực làm chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống.

“Chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ.”
Tại La Vang, Mẹ đã hứa ban ơn cho những ai chạy đến cầu khẩn với Người. Điều này đồng nghĩa với lời Mẹ nói về việc siêng năng lần hạt khi hiện ra tại Fatima, bởi vì cầu nguyện lúc ấy đối với các tín hữu Việt Nam có gì khác hơn là lần hạt: “Dưới đám cỏ gần gốc cây đa, họ họp nhau, lần chuỗi và kêu xin Mẹ thiên đình cứu chữa.” Đối với những mảnh đời đang đau khổ, và trước những đe dọa về mạng sống, về đức tin, về tôn giáo, về chiến tranh, và về hòa bình thì Kinh Mân Côi chính là “thuốc chữa bệnh thời thế”. (Lm. Đaminh Maria Trần Đình Thủ).

Tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang, Thiên Chúa sẽ ban tự do, hòa bình, và công lý xuống trên những người tín hữu chúng ta.

 

tượng đức mẹ la vang
Tượng Đức Mẹ La Vang được hoàn thiện tại HUY HÙNG

 

Kinh Thánh Mẫu Đức Mẹ La Vang:

Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang, đầy muôn ơn phước, ngời chói hào quang, muôn vàn Thần Thánh không ai sánh bằng. Ðức Chúa Trời đã đoái thương chọn Mẹ, tinh tuyền thánh thiện, sinh Ðấng cứu độ muôn loài. Mẹ đã chọn La Vang mà hiện đến, cứu giúp hộ phù tổ tiên chúng con lương giáo, giữa thời ly loạn cấm cách, khốn khổ trăm bề.

Từ ấy gót chân Mẹ bước đến, vẫn mãi đầy ơn thiêng. Ơn phần hồn ơn phần xác, người bệnh tật kẻ ưu phiền, nào ai cầu khẩn mà Mẹ không nhậm lời.

Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang, Mẹ là Thánh Mẫu Chúa Trời, cùng là Thánh Mẫu loài người chúng con. Cúi xin xuống phước hải hà, đoái thương con cái thiết tha van nài.

Xin cho chúng con tấm lòng từ bi nhân hậu, đại lượng bao dung, cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống.

Xin Mẹ phù hộ chúng con, luôn sống đức hạnh, đầy lòng cậy trông. Và sau cuộc đời nầy, xin cho chúng con được về sống bên Mẹ, hưởng vinh phúc trong Chúa Ba Ngôi muôn đời. Amen.

(Kinh Thánh Mẫu La Vang cho Năm Toàn Xá Ðức Mẹ La Vang 1998-1999 Khai mạc trọng thể tại Thánh Ðịa La Vang lúc 9 giờ ngày 1 tháng 1 năm 1998 và bế mạc ngày 15 tháng 08 năm 1999).

 

 

 

Chia sẻ: