Đức Mẹ Núi Camêlô - Cơ Sở Điêu Khắc Đá Huy Hùng

Đức Mẹ Núi Camêlô - Cơ Sở Điêu Khắc Đá Huy Hùng

Đức Mẹ Núi Camêlô - Cơ Sở Điêu Khắc Đá Huy Hùng

Cở Sở Điêu Khác Đá Huy Hùng

Tỉ mỉ trên từng nét chạm

  • 0918427359
  • huyhungstatue@gmail.com

0

Giỏ hàng

0 vnđ

Đức Mẹ Núi Camêlô

Đức Mẹ núi Camêlô còn được biết đến với tên gọi Đức Mẹ núi Cát Minh là một danh hiệu dành cho Maria trong vai trò là đấng bảo trợ cho Dòng Camêlô. Dòng Camêlô lúc đầu chỉ bao gồm những ẩn sĩ Ki-tô giáo sống trên Núi Camêlô ở Đất Thánh trong thời gian cuối thế kỷ 12 và đầu thế kỷ 13. Họ đã xây dựng một nhà thờ ở đây để dành riêng cho Đức Trinh Nữ, người mà họ tôn sùng là Đấng bảo trợ của nơi này." Đức Mẹ Núi Camêlô cũng là vị thánh bảo trợ của Chile.

Camêlô được coi như ngọn núi thánh. Truyền thống cho rằng đây chính là nơi tiên tri Elia đã lên núi này để bảo vệ niềm tin của mình trong cơn bách hại, cũng như đã đào tạo những tâm hồn trung thành với Thiên Chúa. Sau đó, các ẩn sĩ được lập thành dòng Carmelô tận hiến cho Đức Mẹ và sống đời chiêm niệm. Vào thế kỷ thứ XII, Thượng phụ Giáo chủ Albertô thành Giêrusalem đã qui tụ tất cả thành một nhà dòng, ban hành cho họ một quy luật được Giáo hoàng Hônôriô III chuẩn y năm 1226 [1]. Cũng năm ấy, Giáo hoàng cho phép mừng trọng thể trong dòng lễ Đức Bà Camêlô.

Vì gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn Đất thánh bị Hồi giáo chiếm đóng, dòng Carmelô đã di chuyển về Cambridge, nước Anh. Thánh Simon Stock là tu viện trưởng đã kêu xin Đức Mẹ cứu giúp [2]. Bộ áo dòng của các tu sĩ được cho là bắt nguồn từ sự kiện Đức Maria hiện ra ngày 16 tháng 7 năm 1251 với thánh Simon Stock và nói: "Hãy nhận lấy bộ áo dòng này Mẹ ban cho dòng và cho tu sĩ như dấu chỉ của lòng ưu ái và sự săn sóc Mẹ dành cho các con. Đây là dấu hiệu cứu rỗi. Giải thoát mọi hiểm nguy. Ai chết mà mang biểu hiện bình an này, sẽ khỏi bị lửa thiêu đời đời và Mẹ sẽ cứu họ khỏi lửa luyện tội vào ngày thứ bảy sau khi họ qua đời".

Năm 1674, Lễ mừng Maria núi Camêlô lan rộng tới các nước có vua công giáo. Năm 1679, tới các vương quốc Áo, Bồ Đào Nha. Các nước thuộc quyền giáo hoàng mừng lễ này từ năm 1725. Giáo hoàng Biển Đức XIII phổ biến lễ này trong toàn Giáo hội do sắc lệnh ban hành ngày 24 tháng 9 năm 1726. Ngày 15 tháng 5 năm 1892, Giáo hoàng Lêô XIII đã ban đặc ân "Portiuncula" (ơn đại xá cho ai viếng nhà thờ) trong lễ này [3]. Lễ này được mừng trong toàn giáo hội công giáo vào ngày 16 tháng 7 hàng năm.

Lễ Kính Đức Mẹ Núi Cát Minh (Camêlô) 16-07

Cát Minh (còn gọi là Camêlô hay Carmen) là tên ngọn núi đứng hiên ngang trên đồng bằng Galilêa, nước Palestine, gần Nagiarét, nơi Đức Mẹ đã sống và có biết bao kỷ niệm êm đềm, thánh thiện với Chúa Giêsu.

Cát Minh theo gốc từ có nghĩa là “vườn cây trái”, “khu vườn”. Trong Kinh Thánh, Cát Minh là biểu tượng của sắc đẹp, phì nhiêu (Gr 50, 19; Is 35, 2…).

Cát Minh cũng chính là ngọn núi danh tiếng gắn liền với cuộc đời của tiên tri Êlia. Tiên tri Êlia đã làm một phép lạ vĩ đại ở đó: Chương 18 sách Các Vua quyển thứ I kể rằng Êlia đã đương đầu chống lại 450 tiên tri của thần Baal trên ngọn núi này. Bằng lời cầu nguyện, Êlia đã xin Thiên Chúa làm phép lạ để minh chứng rằng Thiên Chúa của Êlia là Thiên Chúa chân thật. Và Thiên Chúa đã nhận lời Êlia cầu xin.

Vào thế kỷ thứ 12, một nhóm ẩn sĩ mong muốn hiến dâng tình yêu trọn vẹn cho Đức Kitô theo tinh thần của tiên tri Êlia đã bắt đầu đến sống trên các triền núi Cát Minh. Thế kỷ tiếp theo, giáo phụ Albertô thành Giêrusalem đã ban cho các ẩn sĩ tu luật, theo đó các tu sĩ “sống tùy thuộc hoàn toàn vào Chúa Giêsu Kitô”  và “trung thành phục vụ bằng một trái tim tinh tuyền” trong thinh lặng, cô tịch, suy gẫm sách Thánh và chiến đấu thiêng liêng như Thánh Phaolô đã nói đến (Ep 6).

Ngay từ đầu, dòng Cát Minh đã được đặt dưới sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, với tước hiệu Đức Mẹ Núi Cát Minh. Vì thế, các ẩn sĩ này thường được gọi là các cha dòng Đức Mẹ Cát Minh. Đức Thánh Cha Hônôriô III phê chuẩn tu luật của Hội dòng vào năm 1226. Năm 1247, Simon Stock (còn gọi là Simon Cột), một linh mục gốc Anh, trở thành bề trên tổng quyền dòng Cát Minh. Ngài đã giúp Hội dòng phát triển và thích nghi với thời đại.

Ngày 16 tháng 7 năm 1251, sau một đêm thức trắng cầu xin Đức Mẹ ban ơn phù trợ để Dòng Cát Minh thoát khỏi những hiểm nguy đang giăng mắc có thể đi tới chỗ sụp đổ, Thánh Simon Stock đã được thị kiến thấy Đức Mẹ: Đức Trinh nữ tay bồng Chúa Hài Nhi, có các Thiên Thần hầu cận, đã trao hai miếng nhung nhỏ màu nâu bằng bàn tay, có hai dây đính lại với nhau, cho thánh Simon Stock:“Hỡi con yêu dấu, hãy lãnh nhận tấm áo này cho Hội Dòng của con. Đó là dấu chỉ đặc biệt một hồng ân mà Mẹ đã xin cho các con và tất cả con cái của Chúa, những người tôn vinh Mẹ dưới tước hiệu Đức Mẹ Núi Cát Minh. Hễ ai chết trong lúc sốt sắng mặc áo này sẽ được cứu thoát khỏi lửa muôn đời. Áo nâu là một huân chương phần rỗi. Áo nâu còn là khiên thuẫn trong lúc hiểm nguy. Áo nâu là bảo chứng ơn bình an và sự che chở đặc biệt, cho đến ngày tận cùng trần gian”. Quả thật, sau đó, nhiều phép lạ đã xảy ra khi những người mang áo Đức Mẹ Cát Minh: Đức Mẹ làm chuyển đổi hướng gió, làm dịu giông bão, dập tắt hỏa hoạn, làm đổi hướng lằn tên mũi đạn,v.v. Áo Đức Bà cũng xuất hiện trong hai lần Đức Mẹ hiện ra: Đức Mẹ mặc áo mầu nâu khi hiện ra lần sau cùng ở Lộ Đức, ngày 16 tháng 7 nhằm ngày lễ Đức Mẹ núi Cát Minh; và khi Đức Mẹ làm cho mặt trời nhảy múa tại Fatima.

Thánh Giáo Hoàng Piô X (làm Giáo Hoàng từ năm 1903 tới năm 1914) nói rằng người ta cũng nhận được những phúc lành tương tự nếu họ mang tượng ảnh thay Áo Đức Bà. Ảnh đeo Đức Mẹ Núi Cát Minh có một mặt hình Đức Mẹ Cát Minh và mặt kia hình Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Đây những đặc ân Mẹ ban cho những ai mang áo Đức Mẹ Núi Cát Minh:

– Ơn được Mẹ nhận làm con riêng và đặc biệt phù trợ

– Ơn được thông công những việc đạo đức của dòng Cát Minh

– Ơn được lãnh các ân xá Giáo Hội ban

– Ơn được Mẹ cứu khỏi luyện ngục vào ngày thứ bảy sau khi qua đời, nếu giữ được đức trong sạch tùy theo bậc sống và ơn kêu gọi của mình, đọc kinh nhật tụng kính Đức Mẹ hàng ngày, hoặc ăn chay kiêng thịt những ngày Giáo Hội chỉ định.

– Ơn được khỏi lửa hỏa ngục đời đời, nghĩa là khi hấp hối mà còn mắc tội trọng, thì sẽ được ơn sám hối xứng đáng và kịp thời.

Đức Thánh Cha Bênêđitô VIII năm 1726 đã phổ biến lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh trong toàn thể Giáo Hội để kính nhớ lần Đức Mẹ hiện ra với thánh Simon Stock (trước đó, lễ này chỉ được mừng kính trong các cộng đoàn dòng Cát Minh).

KINH KÍNH ĐỨC MẸ NÚI CÁT MINH

Lạy Đức Trinh Nữ Maria đầy phúc không mắc tội truyền. Mẹ là vẻ đẹp cùng là vinh hiển Núi Cát Minh. Mẹ lấy lòng từ bi nhân hậu đoái nhìn các kẻ mang áo thánh Mẹ. Xin khấng đoái xem đến con, và che chở con dưới áo Mẹ. Con yếu đuối, xin uy quyền Mẹ nâng đỡ. Xin đức khôn ngoan Mẹ soi sáng tâm trí u ám con. Xin in vào lòng con đức tin cậy và đức mến. Xin hãy dùng thánh sủng và đức hạnh mà trang điểm linh hồn con, để con được chính là con của Mẹ và được Mẹ yêu thương. Xin hãy phù hộ con khi sống và trong giờ lâm chung. Xin Mẹ âu yếm đến viếng thăm và yên ủi con, và dâng trình cho Chúa Ba Ngôi con là con cùng là đầy tớ tận tình của Mẹ hầu con được ngợi khen chúc tụng Mẹ đời đời trên thiên đàng. Amen.

Lạy Nữ Vương là xinh đẹp Núi Cát Minh, xin cầu cho chúng con.

KINH ÁO ĐỨC BÀ

Lạy Rất Thánh Đức Bà Maria là Quan Thầy họ Áo Đức Bà, chúng con dốc lòng vào họ Áo Đức Bà, cùng mặc Áo Đức Bà cho đến trọn đời. Khi chúng con chết, thì Đức Bà sẽ lấy Áo thánh ấy ở nơi mình chúng con mà nhận chúng con là con cái Đức Bà, và đưa chúng con về thiên đàng mà chầu chực Đức Giêsu cùng rất thánh Đức Bà đời đời chẳng cùng. Amen.

Cơ sở Điêu Khắc Đá Mỹ Nghệ Huy Hùng xin chân thành cảm ơn quý khách hàng đã luôn tin tưởng và ủng hộ trong suốt chặng đường hoạt động làm nghề của chúng tôi.

Cơ sở luôn cố gắng nỗ lực hoàn thiện hơn mỗi ngày để khách hàng hài lòng khi lựa chọn đặt mua sản phẩm tại Huy Hùng.

Quý khách hàng đặt tượng, xin liên hệ:

Cơ Sở Điêu Khắc Đá Mỹ Nghệ HUY HÙNG

Địa chỉ: 01 Đường Quán Khái 11, Khu sản xuất số 10, Làng Đá Mỹ Nghệ Non Nước, Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng

Hotline/Zalo/Viber: (+84) 0918427359

Email: huyhungstatue@gmail.com

Nhận thực hiện theo mọi yêu cầu của quý khách

Chịu trách nhiệm vận chuyển tận nơi trong và ngoài nước

Chia sẻ: